VÌ SAO NÊN LÀM “KHÔNG CÔNG” CHO CTY BẠN MỘT SỐ THỨ?

VÌ SAO NÊN LÀM “KHÔNG CÔNG” CHO CTY BẠN MỘT SỐ THỨ?

Câu trả lời cực kỳ đơn giản bạn trẻ ơi: thực tế mà nói, chẳng việc gì bạn thật sự đang làm “không công” cho tổ chức của bạn cả. Tin hay không thì tuỳ!

Này nhé, Sếp gọi bạn nhảy qua hỗ trợ đồng nghiệp trong một dự án tuyển dụng gấp gáp số lượng lớn cho một mảng business mới. Bạn nghĩ thầm chà, tự nhiên phải đi chia sẻ khối lượng công việc với người khác mà chả thấy Sếp nói năng gì tới phần thưởng cả. Bạn hãy nghĩ lại đi nhe! Công ty không khác gì “lò đào tạo” cả, muốn đạt tới mức độ kỹ xảo tức là điêu luyện trong một kỹ năng chuyên môn bất kỳ, bạn phải luyện đủ số giờ của món đấy. Việc làm thêm vì thế đã giúp bạn tích luỹ kinh nghiệm trận mạc, nắm vững nghiệp vụ, nâng cao tay nghề.



Có một nguyên tắc tên gọi “Mười ngàn giờ” đấy nhé!

Trừ phi, bạn là thiên tài, có năng khiếu bẩm sinh trong một lĩnh vực nào đấy nên thời gian trau dồi kỹ năng chuyên môn ở mảng đó cần ít hơn người khác. Chứ nếu bạn cũng như tôi, là một con người bình thường, để leo lên đỉnh cao của nghề, bạn phải làm đi làm lại những công việc của bạn hàng trăm, ngàn, vạn lần mới thành thạo được.

Ngoài ra, hãy nhớ Gieo gì Gặt đó. Khi bạn nhận lời làm thêm một việc, tức là bạn đang đầu tư thêm một điểm tín nhiệm nữa đối với chính bản thân mình, trong con mắt của mọi người xung quanh, trong đó có Sếp, và Sếp của Sếp nữa. Không phải ngẫu nhiên mà người ta nói rằng những ai nhiệt tình, lăn xả, và thích giúp đỡ lại có thể tiến thân thuận lợi hơn nhiều những kẻ tủn mủn, ích kỷ, tôn thờ chủ nghĩa “vật chất mang tính xôi thịt”. Tôi thích cho đi vì tôi nghĩ ơn trên sẽ giúp tôi luôn luôn tích luỹ được nhiều tiền tại, thậm chí dư dả, để tôi có thể tiếp tục cho đi nhiều hơn. Vì vậy, khi tôi trao thời gian, nỗ lực, sự hỗ trợ tận tình của mình cho người khác, vũ trụ vạn vật sẽ trả lại gấp nhiều lần cho tôi bằng cách này hoặc cách khác đó đa.

Một số bạn trẻ hay bực mình khi Sếp giao thêm việc, thấy áp lực và kể cả ghét Sếp vì cho rằng đang bị “đì”. Bạn chỉ là chưa biết trong món “Phát triển năng lực đội ngũ”, các Sếp thường được dạy rằng làm sếp giỏi là khi có trong tay một đội ngũ giỏi giang, và để nhân viên bên dưới mình giỏi lên mỗi ngày thì Sếp phải chuyển bớt việc mình đang làm cho họ, để họ có không gian & cơ hội mang tính thách thức mà mài bén trí tuệ, để họ được làm cái mới, để họ toi luyện thêm năng lực, chuẩn bị thật chu đáo cho việc họ sẽ sẵn sàng bước lên vị trí cao hơn. Ít nhất là sẵn sàng “phất khi cờ tới tay”.

À, mà bạn có theo dõi mấy chương trình huấn luyện lính chiến không dạ. Bạn thử coi một vài tập TV Show “Sao nhập ngũ” để cảm nhận rõ hơn điều tôi nói nhé. Lính chiến là lính có kỷ luật, phục tùng, kỹ thuật chiến đấu điêu luyện, tinh thần thép, thể lực bền bỉ, và khả năng thích nghi cao trong mọi môi trường & điều kiện hoàn cảnh. Tôi huấn luyện gà chiến, chứ không muốn mất thời gian “vàng ngọc” của mình cho gà rù, hay gà thịt và các vị Sếp cũng thế, chỉ muốn phát triển đội ngũ tinh nhuệ mà thôi. Trong tâm thế của một người lính chiến, bất cứ chiến trường nào, bất cứ có hay không có đủ vũ khí, đạn dược trong tay, bất cứ việc làm xong nhiệm vụ rồi có được trả công gì hay không, thì việc trên giao, ta cứ phải hoàn thành bằng mọi giá!

Bạn đã bước lên con tàu gồm toàn chiến sỹ, nếu bạn chỉ là một tên lính kiểng - có mặt hay không trong đội hình tác chiến của chỉ huy lập ra cũng không quan trọng - thì thôi, mình chia tay. 😎

Ờ mà quan trọng hơn, khi bạn đã & đang là Sếp của một ai đó, bạn muốn mình là tấm gương như thế nào đối với cấp dưới của bạn ha? Liệu bạn muốn thấy họ “chần chừ, do dự, thậm chí chống đối, khóc lóc, cãi lẫy mỗi khi bạn kêu lại giao việc” hay bạn muốn họ “nhẹ nhàng, thoải mái, biết nắm bắt và trân trọng cơ hội được thử thách bản thân”? Nếu bạn sợ rằng đời lắm bất công, Sếp chỉ ép làm thêm chớ không dành thêm đồng nào cho bạn, thì chắc chắn bạn cũng sẽ gieo ý nghĩ này thành hành động hoặc thông điệp ra bên ngoài. Nhân viên của bạn cũng từ đó mà học “hư”.

Nguồn: Face Lê Thị Đoan Trinh (GHN)

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.