Hành Trình Sản Xuất Hàng Đi Nhật của Nguyễn Phương Nam - CEO Aothun.vn
Hành Trình Sản Xuất Hàng Đi Nhật
Tôi có 1 khách hàng người Nhật, Năm nào họ cũng qua công ty tôi kiểm hàng và bàn về việc phát triển sản phẩm mới. Năm nay, thay vì ngồi ở văn phòng họ muốn ra chợ vải và phụ liệu để tìm kiếm ý tưởng cho sản phẩm mới. Chúng tôi đón họ ở khách sạn Nikko với lịch trình sẽ đi chợ Lớn, qua Sóai Kình Lâm, ghé Đại Quang Minh, rồi về Dân Sinh và kết thúc tại Takashimaya.
Tôi rất nễ phục tinh thần làm việc của họ. Ông khách hàng hơn tôi... 35 tuổi, ông là chủ một thương hiệu thời trang hơn 20 cửa hàng, 3 trung tâm tiệc cưới và vài nhà hàng, quán ăn ở phố cổ Kyoto và Tokyo. Ông còn là nghệ sĩ múa truyền thống Nhật Bản (còn đang múa được). Lính quá trời, vậy mà năm nào 2 lần ổng đều qua trực tiếp làm việc với tôi (cuối năm nay chắc qua ổng quá). Ông duyệt từng mẫu thiết kế và góp ý từng ánh màu sản phẩm tôi làm. Thấy ổng vẫn làm việc minh mẫn tôi thầm mừng, nếu hên hên chắc mình cũng sẽ còn được 30 năm nữa để dzí theo Mark Zuckerberg.
Tôi làm việc với ông cũng là duyên tiền định, trước đây họ sản xuất tại Trung Quốc, 5 năm trước người Nhật bắt đầu không thích sản phẩm Made In China, nên ông qua Việt Nam (1 dân tộc hiền lành nên được người Nhật iu mến ^^). Người Nhật làm việc rất kỹ lưỡng, không bao giờ làm cái gì ào ạt, Sau 5 năm làm việc họ mới đưa full đơn hàng áo thun cho chúng tôi. Lúc mới qua Việt Nam ông mang theo 1 phần nhỏ đơn hàng, thiết kế thì khó, hoạ tiết in tràn hết thân, yêu cầu in thế nào mà phải mềm, mặc không cảm thấy có hình in, mồ hôi phải thấm dễ dàng qua hình in chứ không bị nóng, vải thì phải co dãn, nhưng không được chảy xệ, biến dạng.
Số lượng mẫu lên đến vài chục, mà mỗi mẫu chỉ vài trăm cái. Ông cầm đơn hàng gặp hết Việt Tiến, Nhà Bè, Phương Đông (những anh đại trong ngành may mặc Việt Nam). Ai cũng chê xương không thèm tiếp (cái này là sau khi làm ăn vài năm ổng mới chia sẻ thiệt cho mình biết, chắc sợ mình ăn mặn). Cũng may mấy anh Đại giới thiệu mình cho ổng (chắc muốn hại mình nè, vậy là ổng tìm đúng nơi rồi, Aothun.vn là đơn vị hiếm có tại Việt Nam chịu số lượng nát mà chất lượng cao. Sở dĩ mình đi theo chiến lược này là vì lúc mới khởi nghiệp Aothun.vn cũng là làm cò thôi (các Founder trước chủ trương làm thương mại), khi có đơn hàng thì tìm nhà cung cấp sản xuất rồi giao. Nhưng khi đi tìm nhà cung cấp mới khổ tâm, mình hứa hẹn thề thốt là sản phẩm mình chất lượng nên khách hàng mới đặt hàng, mà đa phần là đơn hàng nhỏ.
Đơn vị làm hàng chất lượng thì toàn công ty lớn và yêu cầu sản lượng lớn (giống mấy anh Đại), đơn vị chịu làm số lượng nhỏ thì toàn là bà năm, bà ba, ra chợ mua vải cắt hàng rồi thả cho các đơn vị gia công in, gia công may tới khi sản phẩm tới tay khách hàng thì vải giặt ra màu, co rút, hình in bông tróc, áo mặc bị ngứa, dị ứng các kiểu, khách hàng chửi mình, mình qua bắt đền mấy bã thì cũng chịu vì ngay từ đầu họ đâu có trực tiếp làm vải hay, hay may in gì đâu, nên chất lượng hên xui, họ cũng không làm được gì để khắc phục.
Công ty mình bị mắc kẹt ở đây, và đây cũng chính là cơ hội để xây dựng Aothun.vn ngày hôm nay. Nhiều anh em thân mình đều biết mình mày mò học nghề từ sợi, dệt, nhuộm, may, in thêu, lỗ liên tục 5 năm đầu, tiền đầu tư và tiền ngu hơn 12 tỷ để giải quyết đúng 6 chữ “#số_lượng_ít_chất_lượng_cao”
Để kiểm soát được nguyên chuỗi giá trị làm ra được 1 chiếc áo thun chất lượng, cao cấp không hề đơn giản. Khi khách hàng đưa cho mình 1 cái áo và nhẹ nhàng nói: “mình muốn giống vầy nè” thì bản chất vấn đề sẽ là:
#Sợi: vải này dùng sợi gì? chỉ số (độ lớn) bao nhiêu? trong nước có sẳn không? hay phải đặt nước ngoài (mà nước nào?), bao nhiêu kg thì mới đặt được? để giải quyết được việc này mình mất nhiều năm, dày công, khóc than, xin xỏ để xây dựng mối quan hệ với các kỹ sư Textile trong và ngoài nước để có thể phân tích được vải này làm bằng sợi gì và mua ở đâu.
#Dệt: kiểu dệt này dệt bằng máy gì? ai có máy này, ai có và biết chỉnh kim, cam để dệt ra hiệu ứng giống miếng vải, và ai chịu làm? thực tế không ai chịu làm hết, vì để dệt được 1 loại vải lạ không phải sở trường của xưởng dệt, người kỹ sư phải dừng máy dệt đang kiếm cơm, tháo kim cam (1 hệ thống trong máy dệt để tạo ra hiệu ứng vải) mất nửa ngày, sau đó lắp kim cam mới lên mất nửa ngày, rồi cho máy chạy thử ra vải, điều chỉnh, mật độ dệt, tốt độ chạy nếu hên mất 1 ngày thì có được 1 cây vải mẫu 20kg. Sau đó lại mất nửa ngày tháo kim cam xuống, mất nữa ngày để lắp kim cam cũ lên để tiếp tục chạy kiếm cơm.
Thử hỏi nếu bạn là chủ xưởng dệt bạn có sẳn sàng đầu tư thời gian, công sức, tiền bạc để làm mẫu cho khách hàng không? (làm mẫu có trả phí), thực tế không ai muốn lấy vài triệu tiền phí làm mẫu hết, họ trông đợi có đơn hàng vài tấn đưa họ dệt gia công sau khi vải đạt. Nhưng thực tế, làm 10 mẫu cho khách hàng chắc 2 3 mẫu được quay lại đặt hàng dệt gia công, mà số lượng thì cũng hên xui không biết có được nhiều không.
Để giải quyết vấn đề này, mình chủ động đầu tư máy dệt bỏ vào xưởng dệt của đối tác giống như gửi mua heo gửi nuôi vậy. Vì là máy của mình nên mình muốn làm gì cũng được, muốn thử nghiệm gì cũng được, hư mình chịu và chủ xưởng dệt sẽ vui vẻ làm mẫu cho mình, vì máy của họ vẫn chạy kiếm cơm, đồng thời sau khi làm ra vải đạt yêu cầu, họ lại có đơn hàng để chạy máy của họ tiếp, đồng thời thời gian máy mình rãnh, mình cho họ chạy đơn hàng gia công của họ để gỡ phần nào tiền điện, tiền mặt bằng… thế nên mình hết sợ mỗi khi khách hàng yêu cầu phát triển mẫu mà còn tự tin #xin_việc_để_làm.
#Nhuộm: màu gì? độ bền màu giặt và ánh sáng cấp mấy? tỉ lệ co rút bao nhiêu %? để có 1 nhà máy nhuộm đạt chuẩn, phẩm màu an toàn cho sức khoẻ, đi test chất lượng đạt, có hệ thống xử lý nước thải chuẩn, màu nhuộm tươi, độ bền màu và ánh sáng đạt cấp 4 trở lên, tỉ lệ co rút đạt chuẩn thì chỉ có các công ty nhuộm lớn, đầu tư bày bản, và đặt trong khu công nghiệp mới có thể làm được.
Để có 1 nhà máy như vậy ngoài kỹ thuật, tay nghề, quy trình phải cao thì đầu tư phải gần 20 tỷ mới làm được. Vậy mà đơn hàng nhỏ xíu nhờ người ta nhuộm mẫu và sản xuất mẫu vài trăm ký thì người ta ăn cái gì! mình may mắn làm ăn lâu với họ, mối quan hệ tốt, lúc nào cũng là thằng em dễ thương nên mấy anh cũng hỗ trợ với lại làm ăn lâu rồi thì có nạt, có mỡ nên mình cũng chủ động được việc nhuộm số lượng ít, vài chục ký 1 màu cũng được.
#Wash: Vải cotton sau khi nhuộm xong thì độ co dãn tự nhiêu là 3-5%, đây là tiêu chuẩn cho phép của ngành may, ngay cả áo Zara, H&M cũng là tiêu chuẩn này. Mình cam kết với khách hàng tỉ lệ co rút vải là 0% đồng nghĩa với 100% vải của mình để được đưa đi wash, vừa mất thời gian, chi phí, lại mất vải nữa (vì khi wash vải rút lại thì chiều dài và chiều ngang đều rút lại nên số áo may được trên 1 kg vải bị ít đi làm chi phí sản xuất tăng lên). Nhưng bù lại khách hàng khi mặc áo không bị co rút thì sẽ vừa hơn, đẹp hơn, ví dụ áo bạn mua về chiều dài Size M khoảng 70 cm, sau khi giặt rút đi 3% dài (2.1 cm) và 3% (2.1 cm) ngang, thì xem như áo từ size M biến thành size S, chắc chắn khách hàng mặc sẽ không thoải mái.
Có rất nhiều khách hàng không biết, và cũng không để ý với cũng tự tin mua đồ hiệu rồi nên nghĩ “chắc áo hiệu nó vậy^^!!!” nhưng thực tế thì mình biết rõ nên mình cho wash hết, lúc wash cho thêm mùi và thêm cảm giác “đã, đã” cho khách hàng nữa. Khách hàng không biết gì hết, chỉ biết vải này “đã” hơn vải kia thôi, đó là cả 1 nghệ thuật về finishing mà anh em ngành nhuộm, wash, hoá chất Việt Nam mình phải học thế giới nhiều.
#In_thêu: Có 4 phương pháp in chính: phương pháp in lụa có khoảng 20 hiệu ứng, phương pháp in vinyl có khoảng 20 hiệu ứng, in trực tiếp và hiệu ứng có 5 hiệu ứng, in ép chuyển 20 hiệu ứng, thêu có khoảng 10 hiệu ứng. Phần này thì mình đã đi nhiều vòng trái đất để học, chuyển giao công nghệ, và hiện nay mình có đủ hết máy móc, hệ thống và tự tin làm được gần hết các loại. Tiền, công sức, trí tuệ mình dành cho phần này là nhiều nhất trong gần 10 năm qua. Lý do là vì mình lỡ yêu cái nghề này rồi, biết sao giờ! :D
Và chính vì 6 chữ “số lượng ít, chất lượng cao” nên mình mới lấy được đơn hàng của ông Nhật và làm tới giờ. Từ ngày làm cho ổng, trình độ, tay nghề, và ý thức của anh em trong nhà máy tăng lên rõ rệt. Vì làm cho Nhật thì các bạn đều hiểu, họ đặt chất lượng lên hàng đầu và sản phẩm làm các khâu, nhất là khâu in ấn phải QC từng sản phẩm một. Năm nay ổng qua kiểm hàng 80 mẫu mà mất có 30 phút. Đa phần thời gian ngồi hút thuốc, và nghe ổng khoe cái tẩu hút thuốc lá điện tử, giảm 90% nicotine, và trông cool ngầu được vợ ổng tặng.
Hành trình đi kiếm ý tưởng dừng lại ở cửa hàng Moschino trong Takashimaya. Ổng mua cái áo 5 triệu 9 đưa mình và nhẹ nhàn nói “#tao_muốn_giống_vầy_nè”. Các hãng áo hiệu ngoài việc giá mắc vì thương hiệu ra thì cách làm ra sản phẩm của họ cũng rất kỳ công hoặc khan hiếm công nghệ sản xuất hàng loạt (hạn chế hàng nhái, và cho khách hàng cảm giác khác biệt, vì thằng khác không có). Chiếc áo này làm bằng sợi 100% cotton, loại compact (ít lông), và in tràn thân với 10 màu, vô cùng sặc sỡ. Bình thường nếu chất lượng liệu áo là PE thì rất dễ để in, in ép chuyển là xong, như mấy áo của Nike, Adidas vẫn làm, nhưng đây là áo 5 triệu 9 chứ không phải 9 trăm 50 ngàn nên không thể đơn giản vậy được. Phải dùng máy in vải cotton chuyên dụng, khổ lớn mới in được (khổ lớn thì tiền đầu tư lớn, kén đơn hàng vì giá thành sản xuất cao) và quy trình xử lý vải đặc biệt mới cho ra màu đẹp và giữ được độ bền màu lâu.
Lúc đưa cái áo hiệu ổng nhìn mình hỏi “mày làm được không”, mình biết ổng biết là mình sẽ trả lời được (vì sáng hôm qua đã lỡ khoe cái cái canvas trên tường TÔI LÀ CHUYÊN GIA TRONG LĨNH VỰC TÔI LÀM RỒI và thực tế mình làm được thiệt, đáng lẽ cũng bó tay rồi nếu không có máy, cũng may lần trước mình có lấy con máy in vải 100% cotton khổ lớn về vì thích quá, mà bữa giờ chưa có đơn hàng để chạy, nên mình quyết tâm phải xin được việc cho con máy này chạy, mình cho làm 1 thiết kế gần giống và sản xuất trong tối nay để mai kịp gửi ổng trước khi bay.
Nguồn: Facebook Nguyễn Phương Nam
Không có nhận xét nào: