Nguyễn Thành Trung CEO Lozi Làm Gì Để Gọi Vốn Hàng Triệu USD?

Nguyễn Thành Trung CEO Lozi Làm Gì Để Gọi Vốn Hàng Triệu USD?

Những ngày cuối năm 2015, giới startup Việt xôn xao, bất ngờ khi Lozi – nền tảng giới thiệu món ăn – vừa ra đời 2 năm bởi một nhà sáng lập 9X đã gọi được số vốn lên đến hàng triệu USD từ nhà đầu tư danh tiếng Golden Gate Ventures và Tập đoàn DesignOne Japan.

CEO của Lozi – Nguyễn Hoàng Trung năm nay mới 23 tuổi (sinh 1992), hàng ngày làm việc trong văn phỏng nhỏ tại Q.1, TP.HCM. Ở đó, hầu hết những nhân viên của anh cũng là những người thuộc thế hệ 9X. Thế nhưng, những gì Trung và các cộng sự làm được hoàn toàn trái ngược với vẻ ngoài non trẻ của mình.

Lozi là cộng đồng chia sẻ địa điểm ăn uống hàng đầu dành cho bạn trẻ Việt

Khi được hỏi về "bí quyết" gọi vốn từ quỹ đầu tư nước ngoài danh tiếng như Golden Gate Ventures, Nguyễn Hoàng Trung không ngần ngại chia sẻ: “Cái khó nhất chính là bạn phải chứng minh được sản phẩm có khả năng giải quyết một nhu cầu nào đó của xã hội. Nếu bạn trả lời được câu hỏi đó, bạn sẽ dễ dàng thuyết phục được nhà đầu tư”.

Khi Lozi gọi vốn, Trung đã chọn nhà đầu tư nước ngoài chứ không phải một quỹ đầu tư trong nước, bởi sự khác biệt trong mục đích của các quỹ đầu tư. “Trong khi nhà đầu tư trong nước sẽ muốn biết mô hình startup của bạn mất bao lâu để sinh lợi nhuận thì nhà đầu tư nước ngoài sẽ chỉ cần bạn trình bày bức tranh toàn cảnh trong 5 năm, 10 năm nữa bạn sẽ trở thành gì. Họ muốn đầu tư cho những startup có kế hoạch, tầm nhìn rõ ràng và hiểu biết về lĩnh vực mình đang kinh doanh”, CEO Lozi cho biết.

Theo Hoàng Trung, có rất nhiều người giỏi công nghệ nhưng chưa thành công là bởi họ chỉ viết các ứng dụng, phần mềm mà họ muốn chứ không phải những điều xã hội cần. “Một startup cần trả lời được những câu hỏi như: Ứng dụng, mô hình của tôi nhằm giải quyết vấn đề xã hội gì?,Tôi có nhất thiết phải sử dụng ứng dụng này không?, Tôi có thích sản phẩm của tôi không?... Một cách khách quan, nếu bạn không thực sự thuyết phục được chính mình về vai trò, sự cần thiết của sản phẩm, bạn cũng sẽ không thuyết phục được nhà đầu tư”, Trung chia sẻ kinh nghiệm.

Lozi.vn Chiến thắng nhờ khác biệt

Câu hỏi đầu tiên đại diện Golden Gate Ventures đặt ra với Hoàng Trung là: “Lozi làm gì để tìm chỗ đứng trên thị trường khi đã có một đối thủ quá mạnh như Foody?”. Trung đã chứng minh được những khác biệt của Lozi, gồm 3 yếu tố: Tiếp thị thức ăn chứ không tiếp thị địa điểm, hình ảnh thức ăn đẹp, đối tượng người dùng khác biệt.


Nguyễn Hoàng Trung - CEO 9X của Lozi
Nguyễn Hoàng Trung - CEO 9X của Lozi
Từ nhu cầu của chính mình và qua khảo sát bạn bè, Trung nhận thấy mỗi khi đến giờ ăn, mọi người sẽ hỏi: “Ăn cái gì?” thay vì “Ăn ở đâu?”. Nghĩa là khách hàng có tâm lý chọn lựa thức ăn chứ không phải nghĩ đến một địa điểm nhất định nào đó. Đó là lý do đầu tiên của định hướng "đánh" vào món ăn - Lozi tập trung đưa hình ảnh món ăn vào giao diện chính của ứng dụng chứ không gợi ý địa điểm nhà hàng như đối thủ.

Thứ hai, đối tượng khách hàng mục tiêu của Lozi từ 15-24 tuổi. Đây là nhóm khách hàng trẻ tuổi và thường sử dụng mạng xã hội, vì vậy Facebook và Instagram cũng là kênh tiếp cận người dùng chủ lực của Lozi. Khi đối thủ đã rất mạnh trong mảng tìm kiếm trên Google, Lozi cần có con đường khác. Trung và các cộng sự của mình hiểu được tâm lý khách hàng trong độ tuổi này và đã tạo ra những nội dung phù hợp với nhu cầu, giúp Lozi có lợi thế hơn hẳn.

Cuối cùng, Lozi đẩy mạnh truyền thông thị giác bằng cách chú trọng sử dụng hình ảnh món ăn đẹp mắt. Với việc đẩy mạnh các hoạt động trên mạng xã hội “nói chuyện bằng hình ảnh” như Instagram, Lozi đã khiến người dùng luôn cố gắng chụp và đăng tải những hình ảnh đẹp và “chất”, từ đó Lozi lại có được nhiều hình ảnh món ăn ngày càng đẹp hơn.

Lozi sử dụng mạng xã hội Instagram để có nhiều hình ảnh món ăn đẹp

Lozi mất 5 tháng để cập nhật sự tăng trưởng cho nhà đầu tư, và đến tháng thứ 6, Golden Gate quyết định rót vốn cho ứng dụng dù còn non trẻ nhưng nhiều tiềm năng này.

Hoàng Trung đã quyết định dùng tiền đầu tư để giải quyết 3 vấn đề lớn gồm: Đưa ứng dụng đến nhiều người dùng hơn; tiến hành R&D để nghiên cứu kỹ lưỡng sở thích, nhu cầu của người dùng; mở rộng phạm vi hoạt động đến nhiều thành phố hơn.

Có tiền, có định hướng đúng rồi, vấn đề còn lại là hiện thực hóa kế hoạch. Để triển khai được bước tiếp theo này, Trung sẽ phải giải bài toán nhân sự. Muốn có được người giỏi, công ty phải có thật nhiều tiền (để trả lương cao) và nhiều cơ hội thăng tiến. Với một startup như Lozi, Trung thẳng thắn nhìn nhận mình không thể mang đến thu nhập lý tưởng cho nhân viên.
Đội ngũ Lozi năng động sáng tạo
Đội ngũ Lozi năng động sáng tạo
Nhưng Trung rất tự tin về tình yêu lớn mà mình dành cho Lozi, và muốn truyền cảm hứng và nhiệt huyết ấy đến các cộng sự của mình, để tất cả cùng hiện thực hóa ước mơ Lozi sẽ là ứng dụng tìm kiếm món ăn hàng đầu tại Việt Nam sau 5 năm nữa.

Lozi.vn ra mắt lần đầu vào 1/2014, hiện được điều hành bởi Nguyễn Hoàng Trung. Nhà đồng sáng lập 9X người Quảng Ngãi, đã trở về nước xây dựng Lozi khi đang học năm 2 tại Học viện KAIST – Hàn Quốc.

Với khoản đầu tư này, Lozi sẽ phát triển giải pháp công nghệ với mục đích liên kết trực tuyến giữa chủ nhà hàng với người dùng và Lozi cũng có tham vọng mở rộng thị trường ra khu vực Đông Nam Á.

Đồng thời, Lozi cũng sẽ nhận được những tư vấn về chiến lược, kỹ thuật và kinh doanh từ Golden Gate Ventures dựa trên những kinh nghiệm khi đầu tư và phát triển rất nhiều công ty khởi nghiệp khác trong khu vực.

Được biết, Golden Gate Ventures là quỹ đầu tư mạo hiểm tại khu vực Đông Nam Á. Từ năm 2011, Golden Gate Ventures đã đầu tư vào 35 công ty thuộc hơn 7 quốc gia tại Châu Á. Quỹ chủ yếu đầu tư vào các công ty khởi nghiệp về internet và di động ở nhiều lĩnh vực bao gồm thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến, sàn giao dịch, ứng dụng di động và nền tảng phần mềm dịch vụ (SaaS).

Trong khi đó, DesignOne Nhật Bản là một công ty truyền thông internet chủ yếu tập trung phát triển một website thông tin có tên là Ekiten. Website Ekiten là một trang web đánh giá, cung cấp cho người dùng thông tin của những cửa hàng phổ biến tại Nhật Bản. Qua Ekiten, chủ cửa hàng có thể tiếp nhận những ý kiến phản hồi của khách hàng để hoàn thiện khâu quản lý và hoạt động, đồng thời người dùng có thể tìm kiếm thông tin về các cửa hàng thuộc rất nhiều ngành kinh doanh khác nhau trên toàn nước Nhật.

Theo Doanh nhân Sài Gòn - Tổng hợp

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.