Để trở thành thiên tài, bạn biết tại sao?

Để trở thành thiên tài, bạn biết tại sao?

TS. Nguyễn Quốc Toàn: Không có ai ngay lúc sinh ra đã là thiên tài

Liệu có một công thức chung cho sự thành công của tất cả mọi người hay không? Hơn nữa, vai trò của việc dạy dỗ quyết định thế nào đến việc để một người nào đó trở thành "thần đồng” hay người tài chỉ là những cá nhân ít ỏi của nhân loại hoàn toàn được tạo hóa ban tặng ngẫu nhiên? TS. Nguyễn Quốc Toàn - một người thành công trong kinh doanh giáo dục, tác giả của những ý tưởng gây tranh luận vừa qua về việc thách đố các trường chuyên thay vì thi tuyển đầu vào chọn toàn những em xuất sắc mà chọn theo phương pháp bốc thăm ngẫu nhiên để dạy được một học sinh bình thường thành học sinh giỏi - chia sẻ câu chuyện mà ông gọi là "mật mã tài năng”.

TS. Nguyễn Quốc Toàn
TS. Nguyễn Quốc Toàn

PV: Người ta có thể nói khác nhau về thần đồng, về phần mình, ông quan niệm thế nào là một tài năng?

TS. Nguyễn Quốc Toàn: Mozart, Bill Gates, GS Ngô Bảo châu, chị em nhà Polgar… họ có điểm chung gì? Tài năng là thành thạo một kỹ năng nào đó vượt trên mức bình thường đạt tới đẳng cấp thế giới, số này chiếm khoảng 1% dân số. Cái gì cấu tạo nên tài năng? Ngày xưa chúng ta thường nghĩ, tài năng do chất xám, rất nhiều chất xám tạo thành. Trong khoảng 15-16 năm gần đây có những nghiên cứu chỉ ra rằng tài năng được hình thành không phải chỉ đơn thuần do bẩm sinh, do chất xám, mà tài năng hình thành do tốc độ xử lý giữa 2nơ ron thần kinh. Tốc độ xử lý càng nhanh càng tạo sự khác biệt giữa một người bình thường, một người giỏi, và một người xuất sắc. Một người rất bình thường và một thiên tài khác nhau ở tốc độ xử lý của các nơ ron thần kinh.

Như vậy một người tài là do thiên bẩm, hay do rèn luyện mà thành tài, thưa ông?

- Người ta phát hiện ra rằng kỹ năng không hình thành qua những trải nghiệm đơn giản, thuần túy, thường nhật, mà được hình thành khi có những trải nghiệm cực kỳ lớn. Những trải nghiệm có tính "sang chấn” rất mạnh. Những trải nghiệm đưa con người ta đi ra ngoài quỹ đạo hoạt động thường nhật.

Khổ luyện là điều rất cần thiết để phát triển kỹ năng. Nếu làm một việc rất đơn giản thường nhật hàng ngày thì không bao giờ gọi là trải nghiệm. Khổ luyện là điều kiện tiên quyết, điều kiện cần để hình thành nên kỹ năng và hình thành nên tài năng. Não của các em cũng cần được hoạt động, được rèn luyện. Và cái khổ luyện khác với các hoạt động bình thường. Ví dụ như tập tạ là một sự khổ luyện, còn xách nước bình thường không được coi là sự khổ luyện. Khổ luyện là điều rất quan trọng.

Và điều phát hiện thứ 2 trong vòng 20 năm gần đây, người ta gọi là lý thuyết làm sao để cho con người ta trở thành bậc thầy, người ta gọi là quy tắc 10.000 giờ. Cần 10.000 giờ luyện tập (có chủ đích) để trở thành bậc thầy một lĩnh vực. Người ta thống kê, Bill Gates cần khoảng thời gian rất dài ngồi lập trình… Tất cả các tài năng được gọi là thiên tài, đều có quá trình khổ luyện rất vất vả. Đỗ Nhật Nam được coi là thần đồng, đã học tiếng Anh từ bé. Những người muốn trở thành bậc thầy trong một ngành nào đó, như một bác sĩ giỏi hay một võ công giỏi cũng phải trung bình mất 10 năm. Mỗi ngày khổ luyện 3 tiếng, 1 năm là khoảng 1.000 giờ đồng hồ, và 10 năm bằng 10.000 giờ đồng hồ, người ta gọi đây là quy tắc 10.000 giờ - một quy tắc tương đối phổ quát. Muốn làm một điều gì đẳng cấp cao, đẳng cấp thế giới cần phải 10.000 giờ luyện tập.

Nhưng thưa ông, không phải ai khổ luyện cũng thành tài?

- Tôi nói là luyện tập có chủ đích. Luyện tập có chủ đích thì mới có tài năng. Luyện tập có chủ đích khác biệt với luyện tập bình thường, nó làm cho một học sinh bình thường khác biệt với học sinh rất giỏi. Sự khác biệt ấy chính là phần luyện tập có mục đích. Nguyên tắc đầu tiên của luyện tập có chủ đích, ví dụ trong tập đàn, là phải luyện tập những phần nào khó nhất, phức tạp nhất, làm đi làm lại, tập bao giờ thành thạo mới thôi. Ngày xưa tôi cũng được học đàn 5 năm trời. Sau tôi sang Mỹ, ngoài thời gian đi làm tiến sĩ, tôi học đàn của một thầy trưởng khoa nhạc. Ông chỉ ra tôi mới biết thời gian 5 năm đó uổng phí rất nhiều khi học đàn không chuyên sâu, không tập trung phần quan trọng, tập phần khó.

Cái quan trọng thứ 2 là chia nhỏ công đoạn. Khi chơi đàn hay thì người ta phải biết chơi phần nhỏ trước. Khi học một bài văn, tôi dạy con tôi viết văn cũng thế tôi không dạy viết cả bài. Có khi cả ngày chỉ viết một phần mở bài thôi, cả ngày học phần kết luận thôi… Khả năng của người nào biết chia nhỏ công đoạn trong khi học, không phải trong toán học, y học, trong bất cứ lĩnh vực gì cũng thế, là khả năng vô cùng quan trọng biến 1 người bình thường thành có tài. Phụ huynh hoặc giáo viên giỏi biết chia nhỏ từng phần ra cho các con học, cũng như phương pháp rất nổi tiếng trên thế giới, trong việc biến 1 học sinh bình thường thành học sinh giỏi. Khả năng chia nhỏ công đoạn là khả năng rất quan trọng đối với một bậc thầy.

Phần thứ 3 của luyện tập có chủ đích là phải luyện tập sâu. Luyện tập sâu cho phép hoàn chỉnh từng phần, không đi xa, không làm lệch, không đi chệch đường ray. Trong học đàn người ta có kỹ năng chơi đàn hay thì phải chơi bản nhạc đến lúc không phân được giai điệu nữa, chậm đến mức giai điệu nó bị hỏng thì lúc đấy các ngón bấm, phím bấm, nốt nhạc mới hoàn thiện. Còn học đàn mà cả ngày chỉ đánh đi đánh lại một bản đấy thì không bao giờ giỏi được cả. Kỹ năng luyện tập sâu với ngành y cũng thế, khi người ta mổ, bác sĩ phẫu thuật phải học rất kỹ vào chi tiết.

Như vậy, vai trò của người thầy ở đâu trong việc rèn luyện có chủ đích để hình thành kỹ năng của một người tài?

- Đằng sau tất cả cái này đều có sự huấn luyện của một bậc thầy. Tại sao tôi nói vai trò của người thầy rất quan trọng. Người thầy có thể biết cách chia nhỏ công đoạn ra, và người thầy có thể huấn luyện các em tập trung vào phần gì quan trọng nhất. Trong bất cứ một câu chuyện thành công nào đều có một ông thầy rất giỏi.

Với lời thách đố các trường chuyên về việc có thể dạy một học sinh lựa chọn ngẫu nhiên thành học sinh giỏi, ông quan niệm rằng người bình thường hoàn toàn có thể tài năng?

- Có một bài nghiên cứu rất nổi tiếng của một Giáo sư ĐH Tổng hợp Pensylvania phát hiện ra sau 15 năm giảng dạy của bà là có những học sinh rất bình thường sau này trở thành những người cực kỳ thông minh và rất thành công. Còn những học sinh rất tốt, học rất thông minh thế nhưng sau lại thất bại. Bà bỏ nghề dạy xin làm tiến sĩ ĐH Havard, và công trình nghiên cứu của bà là yếu tố gì quyết định thành công của một đứa trẻ, của một người thành đạt? Bà làm khảo sát tất cả những học viên học kỹ thuật quân sự, là học viện quan trọng nhất và khó vào nhất. Tìm khảo nghiệm trên những người làm phố Wall, là nơi các giao dịch mua bán tài chính sát nhập doanh nghiệp và tất cả những học sinh được giải cao trong các kỳ thi xem trong 10, 15 năm thì ai trở thành thành công? Bà phát hiện ra một điều rất thú vị không phải không phải là trí thông minh, không phải là IQ, không phải sức khỏe. Một điều cực kỳ đơn giản đó là lòng kiên trì.

Nghĩa là thành công chỉ đến với những người đủ lòng kiên trì…

- Lòng kiên trì không phải là kiên nhẫn. Tất cả những người trong khảo sát của bà Giáo sư đều thể hiện lòng kiên trì cho dù xuất phát điểm là một người rất bình thường, xuất phát điểm là một người không hề thông minh. Lòng kiên trì này tạo ra sự khác biệt cực kỳ lớn. Đối với những đứa trẻ thành công và những học viên ở học viện quân sự, những người bán hàng ở phố Wall thì lòng kiên trì là yếu tố tiên quyết cho sự thành công của một người tài. Định nghĩa lòng kiên trì không phải là kiên trì cho một năm, 2 năm mà kiên trì như cuộc chạy marathon, cuộc chạy vượt vũ môn trong mục tiêu cực kỳ dài hạn, đam mê và bền bỉ cho những mục tiêu dài hạn. Chỉ có những người có lòng kiên trì này mới có đủ năng lực để trở thành một người thành công.

Ở Việt Nam hiện nay người ta hay nhắc đến cụm từ "tài năng nhí”. Quan điểm của ông thế nào, nên để đứa trẻ có khả năng bộc lộ hết, phô diễn hết hay không nên tung hô quá sớm?

- Những thần đồng được tung hô sớm, có nhiều người trở thành thiên tài sau này nhưng cũng có nhiều người thất bại. Nhưng phần lớn những người có thành công sớm được đánh giá cao sẽ tự tin để thành công hơn.

Tôi không muốn gọi là thần đồng. Tôi không tin ai sinh ra từ đầu có khả năng thành công cả. Nếu cứ đóng khung vào từ như thần đồng sẽ bị áp lực rất lớn, sẽ chỉ làm việc để mọi người khen thôi.

Khi tôi viết bài báo gây tranh cãi, nếu trường chuyên giỏi thì dạy những người bình thường đi để những người ấy sẽ trở thành người giỏi là tôi tin ngay cả các em học sinh bình thường cũng hãy cứ tin mình sẽ vào được Havard. Đừng bao giờ bảo mình không thông minh bằng người bên cạnh, không có cơ sở nào cả.

Tôi tin là do khổ luyện mà thành. Không bao giờ do tài năng, năng khiếu cả. Điều ấy được chứng minh bằng khoa học. Chưa có tài năng nào xuất phát từ đầu là thiên tài cả.


Trân trọng cảm ơn ông!

TS. Nguyễn Quốc Toàn

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.